Ở những căn nhà trọ rộng hơn 10 m2, tiền đi chợ mỗi ngày không quá 30.000 đồng là cảnh sống của nhiều công nhân hiện nay.
Hà Nội vào thu nhưng vẫn nóng bức, trong căn phòng rộng hơn 10 m2 ở thôn Bầu (xã Kim Chung, Đông Anh) chị Lê Thị Lâm (23 tuổi) ngồi dỗ cho con trai ngủ. Phòng trọ chỉ đủ kê chiếc giường cũ, một chiếc tủ tôn và một lối đi nhỏ cho 3 người lớn. Tính cả tiền điện nước, căn phòng có giá thuê gần một triệu đồng (theo Tin xa hoi)

Căn phòng trọ rộng hơn 10m2 là nơi ở của 4 người trong gia đình Lâm. Ảnh: Mai Anh.

Lâm cho biết, so với nhiều căn phòng ở khu công nhân thì phòng gia đình chị đang ở còn khá thoải mái. "Hôm trước vợ chồng em hỏi một chỗ rộng thế này, sạch sẽ hơn một chút có giá 1,2 triệu mỗi tháng, tính cả điện nước khoảng 1,5 triệu, quá đắt nên không thể ở được. Những khu xa hơn có giá khoảng 500.000 đồng, vệ sinh chung, chật chội hơn thế này", Lâm nói.

Từ phòng trọ tới công ty điện tử thuộc Khu công nghiệp Thăng Long hơn 3 km, do vào ca từ 6h sáng nên hôm nào Lâm cũng phải dậy từ 5h để đi làm. Cô công nhân quê Nghệ An đi làm hơn 3 năm, mỗi ngày 8 tiếng, lương tháng hiện nay là 3,5 triệu đồng, thêm các khoản trợ cấp nhà ở, đi lại, xếp loại, mỗi tháng được khoảng 4 triệu.

Lâm cho hay, khi chưa có con, cô thường hay tăng ca. Mỗi ngày tăng ca khoảng 4 giờ, mỗi giờ nhận được 21.000 đồng, tổng cộng là 84.000 đồng cho mỗi ngày tăng ca. Nhưng hiện tại có con nhỏ nên cô không thể làm thêm. Chồng Lâm cũng làm công nhân phân luồng giao thông ở công trình, tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 8 triệu mỗi tháng.

Lâm nhẩm tính, riêng tiền sữa và đồ dùng mỗi tháng cho con hết gần 2 triệu đồng. Đó là chưa đến mùa mưa, lạnh còn phải sắm quần áo mùa đông, mua bỉm cho con nhỏ. Hai vợ chồng tằn tiện lắm mới đủ tiêu. Tháng nào có đám cưới của bạn bè thì phải tiết kiệm một khoản để có tiền mừng."Nếu được tăng lương thì công nhân bọn em cũng muốn tăng nhiều hơn năm ngoái một chút. Bởi thức ăn, đồ sinh hoạt ngày càng đắt đỏ. Một mớ rau muống trước đây 3.000 đồng giờ cũng lên 5.000 đồng", Lâm nói.

Hiện tại, anh Vũ Thanh Thế (24 tuổi), chồng Lâm ở cách nơi trọ hơn 40 km nên cuối tuần hoặc cả tháng mới về thăm vợ con một lần. Cả tăng ca, mỗi tháng Thế kiếm được hơn 4 triệu đồng, mỗi lần nhận lương đều đưa hết cho vợ để chi tiêu trong gia đình. "Em ở chỗ làm cũng chẳng phải mua sắm gì, ăn sáng thì có mì tôm, đến bữa chính thì anh em góp tiền với nhau mua đồ nấu ăn cho đỡ tốn kém", Thế cười nói. Ông bố trẻ đang muốn xin về làm công nhân khu công nghiệp Thăng Long cho gần vợ nhưng chưa được vì công ty đa phần tuyển nữ. Thế mới học hết lớp 10, không có bằng tốt nghiệp phổ thông.

Cháu nội còn nhỏ, bà Vũ Thị Hằng lặn lội từ Nam Định lên Hà Nội trông con cho vợ chồng Lâm đi làm. Bà chia sẻ cuộc sống ở quê vốn vất vả đã đành, ra ngoài này nhìn thấy con cái còn khó khăn hơn mà xót ruột. "Kiếm được đồng tiền chẳng sung sướng gì. Ở quê không kiếm ra tiền nhưng đồ ăn thức uống rẻ, cuộc sống không phải chen chúc, chật chội như ngoài này", bà Hằng nói và cho biết ở quê bà còn hai đứa con trai chưa lập gia đình.
Mỗi khi đi chợ, vợ chồng Lâm đều phải cân nhắc các khoản chi tiêu. Ảnh: Mai Anh.

Đi làm hơn 3 năm tại khu công nghiệp Thăng Long, chị Lê Thị Hồng (25 tuổi, ở Hà Nam) phấn đấu làm hết hợp đồng 3 năm, khấp khởi mừng chuẩn bị ký hợp đồng 6 năm thì công ty cho nghỉ, không ký tiếp nữa. Hồng đành ở nhà nuôi con và mở một sạp hàng tạp hóa nho nhỏ. Mọi chi phí sinh hoạt của gia đình nhỏ 4 người đều trông chờ vào lương công nhân hơn 8 triệu đồng mỗi tháng của chồng chị, anh Trịnh Bá Dũng (25 tuổi).

Chị Hồng đang bầu con thứ hai được hơn 5 tháng. Người mẹ trẻ lo lắng sắp tới con trai đầu 3 tuổi đi nhà trẻ thì chi phí sinh hoạt của gia đình sẽ tăng. Chị nhẩm tính tiền bỉm, sữa, thức ăn cho con hết gần 3 triệu đồng mỗi tháng. Nếu tính thêm tiền đi nhà trẻ mất khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng nữa. Hàng tháng hai vợ chồng không còn tiền tích lũy.

"Đó là chưa kể đến mỗi lần lương chuẩn bị tăng là đồ dùng sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền điện nước lại cũng rục rịch tăng theo. Tôi rất sợ mỗi khi chủ nhà báo tăng tiền nhà trọ. Tăng lương nhưng quan trọng là những thứ phục vụ sinh hoạt cũng đừng tăng giá, nhất là tiền sữa cho con nhỏ", chị Hồng bày tỏ.

Vợ chồng trẻ dự định ở lại Hà Nội thêm một thời gian nữa, tích cóp thêm chút vốn rồi về quê làm ăn, không thể bám trụ lại lâu dài ở thủ đô. "Em cũng rất hy vọng vào lần tăng lương này. Đối với công nhân, mỗi tháng được thêm trăm nghìn đồng cũng là số tiền không nhỏ, mua thêm được hộp sữa cho con là quý lắm rồi", Dũng thở dài nói.

Hiện nay, thành phố Hà Nội có 9 khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao, tạo việc làm cho hơn 140.000 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4 triệu đến 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Theo khảo sát mới đây của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đối với 1.600 công nhân thuộc các ngành dệt may, giày da, giao thông vận tải, cơ khí, điện tử tại 10 tỉnh thành, 20% lao động không đủ sống, 31% phải chi tiêu tằn tiện, 41% vừa đủ trang trải và chỉ 8% có tích lũy. Mức chi tiêu trung bình của người lao động phải nuôi con là hơn 4,2 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.

Căn cứ vào tình hình trên, Tổng liên đoàn lao động đã đề xuất với Hội đồng tiền lương quốc gia 3 phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016. Mức đề xuất tăng thêm cao nhất là 600.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam VCCI cho rằng đề xuất trên là không có căn cứ thực tiễn, không phù hợp với tình hình sản xuất khó khăn của doanh nghiệp hiện nay. Nếu tăng ở mức cao như vậy, không doanh nghiệp nào chịu nổi.

Năm 2015, mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng mỗi tháng, tức tăng bình quân 14,8 % so với năm trước. Lương tối thiểu vùng I là 3.100.000 triệu đồng; vùng II là 2.750.000 đồng; vùng 3 là 2.420.000 đồng; vùng 4 là 2.200.000 đồng. Năm 2014, mức tăng cũng xấp xỉ 15% so với 2013.
Nguồn : Tin tuc xa hoi - tintuc.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét